Sự kết hợp giữa loa Amphion Argon 7LS và thiết bị all-in-one AVM Evolution CS 5.3 mang đến một trải nghiệm trung thực đáng giá, trong một phối ghép nhỏ gọn hiện đại.
Amphion đến từ đất nước Phần Lan nói chung vẫn là một thương hiệu âm thanh khá mới. Dòng sản phẩm của Amphion không quá đa dạng nhưng cũng đủ để gây ấn tượng với người chơi hi-end toàn cầu. Triết lý mà Amphion theo đuổi là tạo ra những mẫu loa được thiết kế thanh lịch, chế tạo chất lượng, khả năng tái tạo âm thanh trung thực nhưng ở khoảng giá khá hợp lý. Cùng chung triết lý này là nhãn hiệu AVM Audio đến từ nước Đức. Hai sản phẩm được lựa chọn phối ghép lần này là loa Amphion Argon 7LS và đầu AVM Evolution CS 5.3 - cả hai đều thuộc phân khúc tiệm cận hi-end.
Amphion Argon 7LS
Ra đời năm 1998 nhưng phải đến năm 2007, Amphion mới ghi được dấu ấn trên thị trường hi-fi bằng những mẫu loa Helium, Argon, Kripton. Người ta nhận thấy sự ấn tượng bởi kiểu dáng bên ngoài tối giản, khác biệt so với hầu hết những thứ còn lại. Anssi Hyvonen, người sáng lập của Amphion, nói rằng “Tại Amphion, chúng tôi thiết kế sản phẩm cho mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Khách hàng của chúng tôi có xu hướng là những người đã học cách tin tưởng vào giác quan của mình và thích nghe chính xác những gì trong bản ghi. Mặc dù vấn đề thẩm mỹ là quan trọng, nhưng chúng tôi không thỏa hiệp về mặt âm thanh để tiếp cận họ… Mẫu Argon 7LS đã tuân theo nguyên tắc đó.”
Ra mắt tại Triển lãm Munich Hi-end 2018, Amphion Argon 7LS là một thiết kế thú vị - một loa cột mỏng, cao, tạo hình đẹp mắt, được chế tạo và hoàn thiện ở Phần Lan. Tuy nhiên, Argon 7LS chỉ có giá 7.000 USD mỗi cặp tại thời điểm đó, khá đáng giá khi xem xét kích thước và khối lượng (tương ứng là 1.160 x 191 x 305mm và 30kg). Đó không phải là giá rẻ, nhưng tương quan với rất nhiều loa đã và đang được bán trên thị trường, Argon 7LS vượt trội hơn ngay cả khi nó là một thiết kế hai đường tiếng thông thường.
Argon 7LS sở hữu hai củ mid/bass màng nhôm đường kính 165mm và một tweeter 25mm ở mặt trước, hai bộ phân tán bass thụ động 165mm (passive radiator) ở phía sau. Các củ loa trên mặt trước được bố trí theo cấu trúc D’Appolito cơ bản, với tweeter đặt giữa hai mid/bass. Theo quan điểm của Anssi Hyvonen, tweeter titan 25mm hoạt động ở tần số xuống tới 1,6 kHz – thấp hơn một chút so với vùng thính giác nhạy cảm nhất của con người. Để làm được điều này, tweeter tích hợp một nón loa dẫn sóng đặc biệt để phân tán tốt hơn âm thanh, đồng thời tạo ra một vẻ đồng đều về kích thước giữa 3 củ loa trên mặt trước.
Tuy nhiên, một trong những bí quyết làm nên chất âm của Argon 7LS là hai bộ phân tán bass thụ động ở mặt sau của loa. Các bộ phân tán này tương đối nhỏ, nhưng với số lượng hai chiếc vẫn đủ sức để góp phần làm nên âm bass sâu và chắc nịch.
Bộ phân tần được cho là đơn giản nhất có thể, chỉ với hai điện trở, ba tụ điện và bốn cuộn dây – cộng với “một bộ phận đặc biệt”. Hệ thống dây điện bên trong là nhiều sợi đồng bọc bạc và các cọc đấu dây của Argento vốn nổi tiếng bởi chất lượng. Thùng loa được làm bằng gỗ MDF với độ dày 25mm ở mặt trước và 20mm ở hai mặt bên.
Kết quả Argon 7LS là một loa có độ nhạy cao hơn mức trung bình – ở mức 91dB, nó sẽ phát ra âm thanh lớn với các bộ khuếch đại đèn điện tử công suất thấp và cũng hoạt động tốt với các bộ khuếch đại bán dẫn Class A. Tuy nhiên, trở kháng danh nghĩa được trích dẫn là 4 Ohms, đồng nghĩa là 7LS sẽ không phổ biến với nhiều khuếch đại hiện đại. Công suất ampli được Amphion khuyên dùng cho Argon 7LS là từ 50 đến 150W. Cặp loa này cũng sở hữu đáp ứng tần số khá rộng từ 28Hz đến 25kHz.
Đầu đa nhiệm all-in-one AVM Evolution CS 5.3: hiện đại và tinh gọn
Như một sự kết hợp hoàn hảo với lối thiết kế tối giản đậm chất Bắc Âu của Argon 7LS chính là bộ ampli tích hợp all-in-one Evolution CS 5.3 của AVM Audio. Thương hiệu âm thanh của Đức đã giới thiệu dòng thiết bị này để đáp ứng nhu cầu giải trí cao cấp của giới trẻ với thiết kế tinh tế, hiện đại nhấn mạnh đến chất lượng, tính tiện dụng và đa năng. Tên gọi đầy đủ là All-in-One Streaming CD Receiver – như để khẳng định lại tính đa nhiệm của nó – Thiết bị tất cả trong một: streaming nhạc số từ music server, các nền tảng nhạc trực tuyến như Spotify, chơi nhạc từ USB, Bluetooth, đầu CD…
Điểm nổi bật là ngoại hình của AVM Evolution CS 5.3, đề cao nét thanh lịch và cân đối tương tự các sản phẩm hi-end của Đức và Thụy Sĩ. Tuy nhiên ở AVM lại toát lên vẻ chân phương với lớp vỏ nhôm được gia công kỹ lưỡng và được ghép nối kín khít với nhau. Số lượng chức năng trên mặt máy được tối giản, chỉ gồm hai núm xoay chọn nguồn nhạc và âm lượng cùng nút bật nguồn nhỏ và đầu cắm jack 3.5 ở hai bên. Chính giữa mặt máy là màn hình hiển thị thông tin cần thiết. Khe đĩa CD (slot) nằm ngang ngay bên dưới màn hình.
Về công nghệ, AVM Evolution CS 5.3 sở hữu bộ khuếch đại mạnh mẽ công suất 2x350W, giúp nó đủ sức kéo những bộ loa cỡ lớn, đồng nghĩa là sẽ không đáng lo ngại khi kéo cặp bộ loa chỉ 150W như Amphion 7LS, thậm chí trong không gian phòng khách lớn. Bộ tiền khuếch đại của CS 5.3 sử dụng các đèn điện tử được sản xuất đặc biệt theo yêu cầu của AVM. Các đèn này có thể được trông thấy qua nắp kính ở mặt trên của thiết bị (nắp kính chính là một dấu hiệu phân biệt giữa phiên bản dùng đèn điện tử và dùng bán dẫn). Tuổi thọ của các đèn điện tử này lên tới hơn 20.000 giờ hoạt động. Với công nghệ mạch điện tử độc quyền, AVM Audio khẳng định Evolution CS 5.3 mang đến chất âm thanh trung thực và giàu nhạc tính.
Trải nghiệm kết nối và nghe nhạc
Dễ nhận thấy sự kết hợp giữa Amphion và AVM có vẻ rất ổn về mặt phong cách với sự tương đồng thiết kế cũng như triết lý sản xuất. Điều này ít nhiều cũng sẽ tác động đến trải nghiệm âm thanh mà hệ thống phối ghép này mang lại. Trước đây, loa Amphion và ampli tích hợp của Plinius là một lựa chọn phối ghép đáng cân nhắc khi tái tạo rất tốt các bản phối vocal, nhạc không lời và giao hưởng thính phòng. Tuy nhiên với AVM Audio, người ta có thể mong đợi những trải nghiệm khác biệt và mới mẻ hơn nữa.
Việc đấu nối giữa các thiết bị cũng dễ dàng đến không ngờ. Khác với các hệ thống hi-end phức tạp gồm vô số dây dẫn, với Amphion và AVM, chỉ cần 2 dây loa để nối giữa các đầu ra ở phía sau Evolution CS 5.3 và các cọc của loa và một dây nguồn cấp điện, và dây mạng để kết nối Ethernet (nếu cần) hoặc các bộ thu wifi tích hợp sẵn. Việc cài đặt hệ thống để kết nối mạng nội bộ và internet cũng đòi hỏi chút kinh nghiệm nhưng tương đối thuận lợi khi làm theo hướng dẫn của hãng. AVM Audio tạo ứng dụng AVM RC X trên kho ứng dụng của Apple và Google cho phép người dùng có thể điều khiển Evolution CS 5.3 trên thiết bị di động. Đây là một xu hướng thịnh hành gần đây trong ngành hi-end nhằm tăng tính tiện lợi và tiếp cận nhiều khách hàng trẻ.
Nếu không dùng điện thoại di động hoặc ngại cài đặt ứng dụng thì AVM Evolution CS 5.3 vẫn thực sự tiện dụng với điều khiển từ xa hoặc các phím cảm ứng trên màn hình. Thao tác điều khiển trên mặt máy có thể gây lúng túng đôi chút vì các phím cảm ứng được thiết kế như những chấm nhỏ và chúng chỉ hiện lên khi chạm nhẹ vào núm âm lượng. Nhưng tất cả những bất tiện nhỏ này cũng sẽ nhanh chóng qua đi.
Bố trí phòng nghe cho Argon 7LS không quá cầu kỳ. Mặc dù kích thước gọn gàng của nó rất dễ để xếp đặt trong những căn phòng vừa và nhỏ nhưng cần chú ý rằng bộ loa này có 2 bộ phân tán bass ở mặt sau nên yêu cầu khoảng thoáng nhất định, tầm 50cm, để tránh bị dội âm thanh vào tường hoặc đồ vật khác phía sau. Về cơ bản loa sẽ được bố trí tiến về trước cao hơn so với ampli.
Cái mà Anssi gọi là “thiết kế theo chức năng theo phong cách Scandinavia” có mang lại hiệu quả tuyệt vời không? Với gần 2 giờ đồng hồ nghe thử hệ thống Argon 7LS và Evolution CS 5.3 trong một phòng nghe chuyên biệt, cảm nhận sẽ không thể đầy đủ. Hệ thống này quá gọn và như bị nhỏ bé khi đặt ở một góc trong một phòng nghe kích thước 4x8m. Do đó nên bố trí cặp loa và thiết bị all-in-one trong phòng khách hoặc phòng nghe nhạc cỡ nhỏ, kết hợp đồ trang trí nội thất như kệ, ti vi, giá sách…
Tuy nhiên cảm giác này đã được xoa dịu khi tiếng nhạc đầu tiên cất lên. Sau một hồi kết nối và một cài vài đặt ứng dụng trên smartphone, mọi trải nghiệm bắt đầu. Đĩa nhạc Xuân Hảo có thể là lựa chọn phù hợp cho chức năng CD của Evolution CS 5.3. Âm thanh rộng mở, nhất là ở dải trung và trầm, như được lan tỏa với âm lượng khá đều ở vị trí cách loa khoảng 3-5m. Đầu đọc tái tạo chất lượng bản ghi trên đĩa CD rất tốt và công suất của Evolution CS 5.3 không hề suy giảm, giúp đẩy âm thanh lan tỏa mọi vị trí trong phòng. Dải trung trầm của Argon 7LS đã thể hiện xuất sắc giọng nam trầm của ca sĩ Xuân Hảo. Chuyển sang đĩa nhạc của Leonard Cohen, chất giọng trầm khàn đặc quánh của huyền thoại này được tái tạo trung thực đến từng nốt bởi cặp loa Phần Lan.
Trải nghiệm “streaming” từ kho nhạc Music Server được nối mạng thì qua ứng dụng AVM RC X cũng khá quen thuộc như các trình nghe nhạc khác. Tuy nhiên nếu có một chiếc iPad màn hình lớn để điều khiển hệ thống sẽ thuận tiện hơn một chiếc smartphone màn hình nhỏ. Hệ thống trình diễn rất tốt chất giọng đặc biệt của Trần Thu Hà qua bản “Bình yên”. Giọng nữ cao trong veo được thể hiện chậm rãi giữa tiếng ghita mang đến cảm giác thư thái, bình yên trong một chiều Hà Nội. Các bản nhạc trẻ của Bích Phương với giai điệu buồn kết hợp tiếng piano cũng phát huy ưu điểm của loa Argon 7LS.
Đối với một bộ loa có cấu hình tầm trung như Amphion Argon 7LS và cách phối ghép với AVM Evolution CS 5.3 như vậy, chúng tôi không có tham vọng muốn thử những bản nhạc kinh điển với sự phân tích cao độ về nhạc tính giao hưởng, khoe tiết tấu và độ chi tiết. Nhưng nếu người nghe có gu như vậy thì Argon 7LS vẫn có thể đáp ứng. Bộ loa Phần Lan chứa một nội lực lớn mà được tạo động lực từ sức mạnh của AVM, độ chi tiết của giải mã, độ ấm và nhạc tính của đèn điện tử, khả năng tái tạo chính xác các tín hiệu âm thanh. Argon 7LS tuy thanh gọn nhưng nó có sức mạnh và sự kiểm soát đồng đều ở mọi dải âm lượng.
Chúng tôi đã chọn một bản trình diễn huyền thoại “Still Loving You” của Scorpions để thử khả năng của nó với những bản nhạc nhiều tiết tấu như vậy. Cách Argon 7LS phát ra âm thanh rất rõ ràng và có trật tự. Có một chút cảm giác về màu sắc – có thể là một chút mềm mại và ấm áp, nhưng không nhiều – và thay vào đó nghe thấy âm thanh chi tiết mà ít nhất là những bộ loa trong cùng tầm giá khó theo kịp. Đó là một bản nhạc được thu âm khá dày đặc, với âm sắc khô khan điển hình của những bản thu âm nhạc rock cùng thời. Amphion thể hiện rất tốt âm thanh giọng hát gần như được trộn lẫn của ca sĩ Klaus Meine được chú ý bởi một giọng hát hiếm có của mình, giọng trong veo và mang chất rock metal tiêu biểu, có thể trình diễn trong một âm vực rộng.
“Triết lý của Amphion là tập trung vào việc mở ra một lối đi sạch sẽ cho âm nhạc. Chúng tôi tin rằng bất cứ điều gì Amphion có thể loại bỏ khỏi đường dẫn tín hiệu đều làm tăng độ phân giải và độ trung thực”, Anssi đã từng nhấn mạnh như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng Anssi đã làm tốt hơn những gì ông ấy có thể – bởi vì Argon 7LS thực hiện chính xác điều này. Và khi được phối ghép với AVM Evolution CS 5.3, những giá trị về nhạc tính của Argon 7LS như được củng cố và thăng hạng.
Nếu bạn là một người chơi nhạc quan tâm đến thiết kế và chất lượng chế tạo, khả năng trình diễn âm thanh ở một khoảng giá hợp lý, hệ thống Amphion Argon 7LS và AVM Evolution CS 5.3 là một cấu hình đáng để tham khảo.
(Long Trịnh)
Các sản phẩm thương hiệu Amphion và AVM Audio được phân phối bởi Audio Hoàng Hải (https://audiohoanghai.com/)
Thảo luận về [Nghe Nhìn] Trải nghiệm loa Amphion Argon 7LS cùng đầu all-in-one AVM Evolution CS 5.3: Phối ghép tinh gọn, chất âm đẹp, chi phí dễ tiếp cận